Phí dịch vụ Tài khoản vãng lai (ngân hàng)

Chính sách tính phí để thực hiện các giao dịch tài chính phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, bao gồm các mức lãi suất tổng thể đối với việc cho vay và tiết kiệm của mỗi quốc gia, cũng như phụ thuộc vào giá trị của giao dịch và số lượng các kênh tiếp cận nguồn tiền gửi mà tổ chức tài chính đó cung cấp. Điều đó giải thích tại sao các loại ngân hàng ảo, hoạt động với rất ít hoặc không có các chi nhánh lại có thể đưa ra các nghiệp vụ ngân hàng với mức phí thấp hoặc miễn phí cũng như giải thích tại sao ở một số quốc gia thì không có các khoản phí giao dịch nhưng mức lãi suất cho vay rất cao lại là một tiêu chuẩn.

Các khoản phí giao dịch tài chính có thể được tính theo từng khoản mục giao dịch hoặc tính theo tỷ lệ cố định cho một số lượng giao dịch nhất định nào đó (thông thường tính trên cơ sở hàng tháng). Thông thường, đối với một loạt các loại khách hàng nào đó, tổ chức tài chính có thể không thu phí đối với các giao dịch tài chính cơ bản, chẳng hạn như đối với tầng lớp sinh viên, thanh niên, người già hay các khách hàng có số tiền gửi rất lớn chẳng hạn. Một số tổ chức tài chính còn đưa ra các giao dịch miễn phí nếu khách hàng duy trì số dư trung bình rất cao trong tài khoản của mình. Các khoản phí dịch vụ khác được áp dụng đối với sự bội chi, hay khi số dư tiền gửi không đủ để thanh toán séc, cũng như khi sử dụng mạng liên ngân hàng bên ngoài v.v. Tại các quốc gia mà ở đó không có các khoản phí dịch vụ đối với các giao dịch thì người ta lại thu phí hàng năm đối với các dịch vụ tuần hoàn, chẳng hạn như thẻ ghi nợ.